Cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết dài 99 km nối Bình Thuận - Đồng Nai và tuyến Mai Sơn - quốc lộ 45 nối Ninh Bình - Thanh Hóa dài 63 km cùng được thông xe sáng 29/4.
Lễ thông xe hai tuyến cao tốc được tổ chức cùng lúc 8h tại hai điểm cầu nút giao Phan Thiết ở huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì và phía Nam hầm Thung Thi, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa do Phó thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại lễ thông xe hai tuyến cao tốc, ngày 29/4
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng hai tuyến cao tốc được thông xe hôm nay có ý nghĩa rất lớn trong phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, khu vực và cả nước. Ông ghi nhận nỗ lực của các đơn vị thi công và các ban quản lý dự án đã vận hành hai tuyến cao tốc vào đúng dịp lễ quan trọng của đất nước, tạo điều kiện đi lại thuận lợi cho người dân và du khách đi lại.
"Tôi cảm ơn bà con nhân dân nơi có dự án đi qua đã nhường đất, nhường chỗ ở, nhường đất canh tác... để có công trình như ngày hôm nay", Thủ tướng nói và chỉ đạo các địa phương tiếp tục quan tâm đến đời sống của người dân bị ảnh hưởng bởi dự án cao tốc.
Rút kinh nghiệm từ hai dự án này, lãnh đạo Chính phủ cho rằng không nên chia nhỏ các gói thầu sẽ khiến phát sinh thủ tục rườm rà; việc kết nối giữa các nhà thầu và ban quản lý dự án mất thời gian và nguồn lực. Ông cũng yêu cầu cơ quan chức năng cần khen thưởng các nhà thầu làm tốt, còn các nhà thầu kém, vi phạm cần xử lý theo quy định.
Xe đổ về cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết quá đông sau lễ khánh thành gây ùn tắc khoảng một km, đoạn qua trạm thu phí
Thứ trưởng Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ, cho biết hai dự án cao tốc được khánh thành hôm nay nâng tổng số km đường cao tốc trục Bắc - Nam đã hoàn thành đưa vào khai thác lên 784 km so với giai đoạn trước năm 2020 là 458 km. Đồng thời, Bộ đang chỉ đạo các đơn vị triển khai, đến ngày 19/5 sẽ khánh thành thêm đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết dài 101 km và đoạn Nha Trang - Cam Lâm dài 49 km.
"Đến năm 2025 sẽ cơ bản hoàn thành 12 dự án thành phần thuộc cao tốc Bắc - Nam và một số đoạn khác để thông toàn tuyến cao tốc từ Lạng Sơn đến Cà Mau", ông Thọ nói và yêu cầu Ban Quản lý dự án Thăng Long, các đơn vị liên quan tập trung thi công để hoàn thiện các hạng mục còn lại để hoàn thành đồng bộ hai dự án trước ngày 30/6.
Là một trong những nhà thầu thực hiện hai dự án trên, ông Đào Ngọc Thanh, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Vinaconex, cho biết quá trình thi công đã gặp nhiều khó khăn do điều kiện địa chất, thời tiết phức tạp. Đặc biệt là giá nguyên vật liệu tăng, thiếu hụt nguồn đất đắp nền đường do vướng mắc thủ tục cấp phép mỏ đã ảnh hưởng tới tiến độ các dự án.
Tuy nhiên, đơn vị cùng các nhà thầu khác đã dồn mọi nguồn lực, áp dụng các công nghệ và giải pháp thi công tiên tiến, để đảm bảo yêu cầu thi công "3 ca, 4 kíp" không kể ngày đêm. Các cán bộ kỹ thuật và công nhân của đơn vị đã ở lại trên công trường liên tục xuyên qua hai dịp Tết nguyên đán 2021, 2022 để đẩy nhanh tiến độ dự án.
Hướng tuyến cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết
Cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết khởi công ngày 30/9/2020 với tổng mức đầu tư hơn 12.500 tỷ đồng. Công trình có điểm đầu nối với cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết tại huyện Hàm Thuận Nam và điểm cuối ở nút giao cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây ở huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai.
Bộ Giao thông Vận tải cho phép các xe chạy trên cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết tốc độ tối đa 120 km/h và tối thiểu 60 km/h. Suốt tuyến mới chỉ có ba nút giao để xe vào hoặc ra được khai thác ở vị trí: cao tốc Long Thành - Dầu Giây, quốc lộ 1A qua huyện Xuân Lộc, Đồng Nai và đường nối Ba Bàu với quốc lộ 1A thuộc huyện Hàm Thuận Nam, Bình Thuận. Bốn nút còn lại chưa hoàn thành.
Khi thông xe, cao tốc này sẽ giúp rút ngắn hành trình từ TP HCM đến Phan Thiết còn khoảng 2 giờ so với 4-5 giờ theo lộ trình quốc lộ 1A. Tuyến đường cũng được kỳ vọng mở ra cơ hội bứt phá cho du lịch, kinh tế xã hội, bất động sản của tỉnh Bình Thuận và khu vực.
Cao tốc Mai Sơn - quốc lộ 45 đoạn qua huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hoá
Khởi công cùng ngày với đoạn Dầu Giây - Phan Thiết, cao tốc Mai Sơn - quốc lộ 45 có tổng đầu tư hơn 12.100 tỷ đồng. Điểm đầu dự án ở xã Mai Sơn, huyện Yên Mô, Ninh Bình và điểm cuối giao quốc lộ 45. Khi thông xe, tuyến đường giúp rút ngắn thời gian từ Hà Nội về Thanh Hòa còn hai giờ thay vì ba giờ như hiện nay.
Giai đoạn 1, tuyến sẽ khai thác 53/63 km. Bộ Giao thông Vận tải chỉ cho phép xe chạy trên cao tốc Mai Sơn - quốc lộ 45 với tốc độ tối đa 80 km/h và cấm xe tải trên 10 tấn. Các xe cũng chỉ được đi từ đoạn đầu dự án đến nút giao Đông Xuân nối quốc lộ 45 và 47; xe tải trên 3,5 tấn chỉ được đi từ nút giao Mai Sơn đến nút giao Hà Lĩnh, xe khách trên 16 chỗ chỉ đi từ nút giao Mai Sơn đến nút giao Gia Miêu.
Lái xe Võ Mạnh Hà, cho biết điểm hạn chế của cao tốc Mai Sơn - quốc lộ 45 là chưa có làn khẩn cấp, trạm dừng nghỉ. Xe khi gặp sự cố sẽ phải đi vào các điểm khẩn cấp bên đường dài hơn 100 m, sẽ khó khăn với xe bị nạn nếu không đến kịp điểm dừng khẩn cấp. "Hy vọng thời gian tới tuyến cao tốc sẽ sớm được mở rộng, có đầy đủ làn dừng khẩn cấp, trạm nghỉ", anh Hà nói.
Ông Lương Văn Long, Giám đốc điều hành dự án Mai Sơn - quốc lộ 45, cho biết tiêu chuẩn kỹ thuật của tuyến đường như nền đường, bán kính cong có thể đáp ứng tốc độ xe đạt 90 km/h. Đơn vị đang rà soát và hoàn thiện các thủ tục có thể tăng tốc độ tối đa lên 90km/h trong thời gian tới.
Theo Vnexpress.net